Tính Không và sự tỏa sáng (LV4)
Theo thống kê, khoảng 80-90% dân số Việt Nam có thiên hướng theo Phật Giáo. Do đó, việc nghiên cứu và ứng dụng các triết lý Phật giáo có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, thuyết tính không là thuyết quan trọng và trừu tượng bậc nhất, vẫn còn chưa được khai phá nhiều bởi tính khó và chuyên sâu của nó.
Tổng quan về thuyết tính Không
Khái niệm không và tính không
Trong văn học Phật giáo, tính Không được đề cập khá phổ biến với nhiều mặt nghĩa khác nhau nên rất dễ gây hiểu nhầm với người đọc. Việc nghiên cứu này vẫn duy trì và phát triển với mục đích tạo nên những khái niệm rõ ràng, tạo cơ sở để tiếp cận những giá trị cốt lõi của hệ thống tư tưởng Phật học.
Bình thường, “không” được hiểu là sự đối lập với “có”. Một vật hữu hình, thấy được thì chúng ta gọi là có, còn khi chúng biến mất hay bị triệt tiêu thì gọi là không. Tuy nhiên, để hiểu một cách chính xác và đầy đủ nhất, tính Không là sự không thực thể của sự vật, hiện tượng. Bản chất của “có” và “không” là hai mặt song hành trong sự vật từ khi chúng xuất hiện đến khi chúng biến mất.
Giữa Không và tính Không luôn có một mối quan hệ chặt chẽ, bao hàm với nhau. Thuyết tính không được xây dựng và phát triển trên cơ sở của khái niệm không, vì thế nó mang tính chất lý thuyết cao siêu và thâm thúy về bản thể.
Sự phát triển của thuyết tính Không
Ban đầu, tính Không bắt nguồn từ khái niệm Không, được đề cập trong một số lý thuyết như Kinh tạng Nikaya hay A hàm. Lúc đó, Không đơn giản là trạng thái tâm của người xuất gia, không có những vương vấn về gia đình, cuộc sống. Mọi người cần an trú vào Không, dẹp bỏ phiền muộn lo âu về của cải vật chất, tài sản gia đình, tham vọng,…, tìm đến đời sống chân – thiện – mỹ, không có khổ đau.
Tư tưởng “Đệ nhất nghĩa không” là mọi sự không sinh không diệt. Nếu đặt sự vật vào phạm trù thời gian,không gian thì chúng có sự sinh và sự biến mất-tức là diệt. Nhưng khi tách chúng ra hay nới rộng thời gian, không gian thành vô tận thì sự sinh-diệt của sự vật hiện tượng cũng không còn.
Về sau, “Đệ nhất nghĩa không” được Long Thọ Bồ Tát kế thừa và phát triển với chủ trương “Không luận”. Người đã phân tích bản chất của mọi vật đồng thời chỉ ra tính Không của các pháp. Tiếp tục triển khai lời dạy về ý niệm “rỗng không”, các thiền sư đã thể hiện sự phủ định tuyệt đối trên bình diện bản thể bằng từ vô như vô ngã, vô thường hay bất như bất sinh, bất diệt. Sự phủ định này cho rằng tính Không không bao hàm các khái niệm hư vô. Tuy nhiên, sự phủ định này không hướng đến phủ nhận sự tồn tại hữu hình của thế giới mà là chân lý để soi sáng bản chất tồn tại của mọi vật.
Nội dung thuyết tính Không
Tính Không được hình thành trên các nguyên lý, lý luận về duyên sinh, vô ngã và vô thường. Mọi vật đều do nhân duyên sinh, đều là giả hữu, đều vô ngã, tất cả đều không và đều vô thường.
Thuyết tính Không qua Duyên sinh và giả hợp
Duyên sinh (Duyên khởi) gọi cách khác là thuyết Nhân duyên sinh bàn về sự biến dịch của vạn vật. Mỗi vật đều có ảnh hưởng đến vật khác, chúng không có chủ thể nhất định, sinh ra khi có sắc (nhân duyên hòa hợp) và mất đi khi có không (nhân duyên mất đi). Chúng trải qua thành – trụ – hoại – không (sinh thành, phát triển, biến hoại và diệt vong) giữa các mối nhân duyên phức tạp, nên cùng tồn tại với nhau. .
Do đó, các sự vật đều không có tự tính nội tại độc lập mà luôn cấu hợp với nhau và Duyên khởi chính là nguyên lý tồn tại của mọi vật kể cả vô hình và hữu hình.
Con người được tạo ra từ ngũ uẩn là sắc (vật chất cơ thể), thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (suy tư), thức (ý thức). Cũng theo Phật giáo, năm uẩn này không thật mà chỉ xuất hiện khi duyên hợp, nên có thể tính là Không.
Tính Không qua cái nhìn của Vô ngã, Vô thường
“Vô ngã”, “vô thường” giống như bức tường giới hạn mà mọi vật đều không thể vượt qua. Hiểu theo nghĩa đen, “vô” là không, “ngã” là cái tôi, “vô ngã” là không có cái tôi, hiểu theo triết học là không có bản chất, bất biến, không có cái gọi là “ngã”. Bản ngã chỉ là cái giả, chỉ tồn tại khi đủ nhân duyên.
Con người cho rằng cái “ngã tồn tại” và hành động dựa trên nó. Còn Phật giáo cho rằng con người sinh ra từ nhiều nhân tố khác nhau, khi họ chết đi thì các nhân tố nước, khoáng chất,… hữu hình đều còn trong vũ trụ nhưng “tôi” sẽ tan biến luôn
Vô thường là tư tưởng biện chứng, bàn về sự biến đổi không ngừng của sự vật. “Vô” là không, “thường” là bình thường, “vô thường” là không bình thường, không ở yên một trạng thái mà luôn biến đổi không ngừng. Những sự vật này biến đổi rồi tan rã.
Con người có phần xác là hợp thể của tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong và khi mất đi lại hoàn trả về tứ đại nguyên bản, đó được gọi là vô thường. Trong tương quan Duyên khởi, nhóm năm uẩn phối hợp cùng nhau hoạt động nhịp nhàng tạo nên sự xuất hiện giả tưởng của cái ngã nhưng bản chất con người sinh – diệt chỉ là sự hợp tan của ngũ uẩn. Vì vậy, sự tồn tại của con người là vô ngã.
Mọi vật do duyên, không có duyên sẽ không có ngã. Sự vật lại biến đổi, không giữ được cái bản chất tuyệt đối nên vô thường chỉ là tên khác của vô ngã. Tính theo thời gian, sự vật vô thường, tính theo không gian mọi vật lại vô ngã. Những tính này có quan hệ chặt chẽ với Duyên sinh và cùng nhau thể hiện tính Không của vạn vật.
Kết luận
Thuyết tính Không là chìa khóa nhận thức thế giới duyên sinh, vô ngã, vô thường, là ánh sáng soi rọi tâm hồn con người, để họ trở về với chính mình. Lĩnh ngộ được tính Không giúp con người vượt qua khó khăn và cám dỗ, hoàn thiện bản thân theo đúng chuẩn mực đạo đức xã hội. Hy vọng bài viết trên giúp quý vị có thêm những nhận thức đúng đắn về tính Không và ngày càng hoàn thiện bản thân hướng đến chân – thiện – mỹ.